Sự Tích Bưởi Hồ Lô
Bưởi Hồ Lô là loại bưởi Năm Roi không hạt do một số nông dân ở Hậu Giang đã tìm tòi để định hình thành trái hồ lô. Vì hồ lô là biểu tượng của sức khỏe và vạn thọ (chúng ta vẫn thường thấy ông Thọ luôn đeo bầu hồ lô bên người sao!!!) nên sẽ thật có ý nghĩa nếu ngày Tết chúng ta có một cặp bưởi Hồ Lô chưng trên bàn thờ gia tiên, tưởng nhớ công ơn của Tổ tiên ông bà
Sự Tích Bưởi Hồ Lô - Ông Nguyễn Trung Thành
Ông Ba Thành làm bưởi “HồLô”
Ký:DIỆP HỒNG PHƯƠNG
Tôi rời quê lên Cần Thơ kiếm sống từ năm 1978. Lúc đầu đi dạy kèm, sau xin vào công ty đông lạnh làm công nhân. Tôi lấy vợ, về sống ở Trà Nóc. Công ty đông lạnh giải thể, tôi đạp xe lôi. Mấy năm đó xăng dầu khan hiếm xe lôi gắn máy rất ít, chỉ có xe lôi đạp là nhiều, khách đi xe thường gọi là “xe vua”… - Ông VõTrung Thành (Ba Thành) ôn lại chuyện cũ- Từ năm 2004, do chủ trương dẹp bỏ xe lôi ở các vùng đô thị miền Tây Nam bộ, nên các “xe vua” biến mất. Năm 2005, tôi về quê là xã Phú Hữu nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang để “tìm kế sinh nhai”!
TỪ VƯỜN BƯỞI NĂM ROI BAN ĐẦU
Ông Ba Thành có chín anh em, ông là người thứ ba. Cha mẹ chia cho các con mỗi người 3 công đất, riêng đất chia cho ông Ba Thành có sẵn một trăm cây bưởi. Ông Ba Thành chẳng hứng thú gì với vườn bưởi, trái nào còn sống, trái nào chín ông đều không biết. Thấy chán nên ông bỏ đi, vườn bưởi không người chăm sóc, chết dần.
Vườn bưởi của gia đình ông Ba Thành thuộc giống bưởi Năm Roi nổi tiếng mà miền Tây Nam bộ chỉ có hai nơi trồng nhiều là huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long và xã Phú Hữu quê ông, nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Mỗi năm, giống bưởi này cho nhà vườn hai lần hái trái, vào tháng Tám và tháng Chạp âm lịch. Bưởi Năm Roi ít bị sâu bệnh, trái ngọt và lớn. Về Phú Hữu, tìm một trái bưởi 3-4 ký không khó, có trái còn nặng tới 5 ký. Trái lớn như vậy thường có vào mấy mùa đầu, người dân gọi là bưởi tơ.
Khi hỏi giống bưởi Năm Roi từ đâu mà có, các nhà vườn xã Phú Hữu thường kể chuyện người trồng bưởi Năm Roi đầu tiên là ông Trần Văn Bưởi (sinh năm 1918, mất năm 1990) quê ở làng Mái Dầm nay là xã Phú Hữu. Thời trai tráng, ông Bưởi là khách thương hồ mua bán trên sông. Trong một đêm ghe bầu neo lại bến Tân Châu (vùng Châu Đốc thời Pháp thuộc) thì vô tình ông vớt được một thứ trái trên sông. Trái có da màu xanh, tách ra thấy ruột màu đỏvàng với những tép mọng nước. Ông Bưởi ăn thử một miếng, thấy vị ngon, lấy làm thích liền gói hột đem về trồng ở quê ông. Xã Phú Hữu tức chợ Mái Dầm là nơi cây bưởi Năm Roi đầu tiên ra đời và sau đó phổ biến khắp vùng quê Phú Hữu.
Có nhiều chuyện kể về tên gọi “Năm Roi” nhưng nghe không có lý. Năm Roi là lời hăm dọa của ông chủ vườn bưởi đối với ai ăn cắp bưởi ông sẽ đánh năm roi, hoặc một ông nhà giàu đánh con gái năm roi vì cô gái thương cậu người làm chăm sóc vườn cây. Cả hai đều là chuyện kể mang tính dân gian, ít nhiều hư cấu. Nhưng với chuyện kể về ông Ba Thành ở xã Phú Hữu, người làm bưởi Năm Roi có hình cái “Hồ lô”, là chuyện có thật, mấy năm nay được báo chí đăng nhiều. Cũng qua báo chí mà tôi lặn lội về Phú Hữu, qua phà nhỏ, tìm đến ấp Phú Trí A hỏi thăm nhà ông Ba Thành. May quá, tôi gặp được ông. Do vậy mà câu chuyện về trái bưởi Năm Roi có hình dáng hồ lô được ông kể tiếp…
Về lại quê sau những ngày vất vả kiếm sống trên đất Cần Thơ, ông Ba Thành cất thêm cái chòi nhỏ ở vườn bưởi sau nhà sống như người ở ẩn! Vợ ông về lại Trà Nóc mua bán nhỏ đắp đổi qua ngày. Mấy đêm liền nằm suy nghĩ, Ba Thành tính nhẩm mình đã gần năm mươi tuổi mà sự nghiệp lại chẳng có gì. Ông thở dài: “Chẳng lẽ mình chôn vùi cuộc đời trong cái vườn bưởi nhỏ nhoi, hiu quạnh nầy sao?”.
TRÁI BƯỞI… KẸT!
Đêm đó nằm suy nghĩ một hồi ngủ quên. Sáng ra, ông thấy có trái bưởi bự nằm kẹt giữa cành cây có hình dáng ngồ ngộ. Ông giựt mình, sáng ra một ý.
- Tôi có coi phim Tề Thiên, thấy cái hồ lô lớn, khoái lắm - Ông Ba Thành sôi nổi kể chuyện - Tôi tự hỏi sao mình không tạo hình hồ lô cho trái bưởi? Từ trái bưởi kẹt có hình dáng méo mó, mình “nắn” lại thành trái hồ lô được không?
Ông Ba Thành quyết tâm khôi phục vườn bưởi, tìm đọc mấy cuốn sách, tài liệu về trồng trọt của khuyến nông xã để biết cách chăm sóc cây trồng. Từ năm 2007, ông tạo dáng thử bưởi hồ lô bằng cách cột dây ngang hông trái bưởi để sang năm bưởi lớn lên có thể có hình dáng hồ lô. Nhưng ông thất bại. Mấy trái bưởi ông tạo dáng cũng méo xẹo, nhìn mắc tức cười. Nghe anh em nói cần có cái khuôn mà ông không làm khuôn được, nên ông đi nhờ thợ làm khuôn. Thợ hỏi ông mẫu đâu? Ông về mày mò mấy ngày liền với cục đất sét nắn trái bưởi hồ lô làm mẫu, rồi đo, rồi lên bản vẽ cho thợ làm khuôn. Làm được vài cái khuôn nhưng ông không vừa ý. Mãi đến lúc ông lên Sài Gòn đặt hàng, ông mới có được những cái khuôn bằng nhựa hết sức vừa ý.
- Nhưng tôi làm mùa đầu thử một ít cây thôi. Phần còn lại tôi hết lòng chăm sóc nên bưởi Năm Roi trở thành nguồn thu kha khá cho gia đình. Qua mùa sau, tôi rút kinh nghiệm làm lại khuôn mẫu. Từ mùa bưởi năm 2009, bưởi Hồ Lô của tôi được đưa ra thị trường, bán được 2.000 trái. Người ta thích của lạ. Khách hàng bên Cần Thơ thích, mà Sài Gòn cũng thích. Lúc đó tôi bán tại vườn khoảng 300 ngàn một cặp. Bưởi Hồ Lô trở thành thương hiệu mạnh.
Ông Ba Thành không giấu nghề mà tận tình hướng dẫn anh em trong nhà và các nhà vườn trong xóm cùng nhau làm bưởi Hồ Lô nên từ đó ấp Phú Trí A trở thành vùng đặc sản bưởi Hồ Lô của xã Phú Hữu. Công ty Ánh Ngọc ở thành phố Hồ Chí Minh về Phú Hữu hợp đồng bao tiêu 3.000 trái bưởi Hồ Lô để bán dịp Tết năm 2010. Một vườn bưởi của ông Ba Thành không đủ cung cấp, phải nhờ anh em nhà vườn trong xóm cùng làm. Năm đó, bưởi Hồ Lô của các nhà vườn Phú Hữu ra thị trường gần 3.000 trái, trừ một số hư coi như thất thoát, số còn lại bán ra từ 300 ngàn đến 400 ngàn đồng một cặp, tùy dáng vẻ của bưởi.
VƯỜN BƯỞI HỒ LÔ
Ông Ba Thành dẫn tôi ra vườn bưởi của ông, ngay sau nhà. Vườn bưởi Năm Roi nầy cũng như những vườn bưởi khác, chỉkh ác một điều là có nhiều trái bưởi phần trên bọc khuôn nhựa, da láng, căng tròn có hình dáng chiếc hồ lô. Nhìn kỹ hơn, sẽ thấy phần trên trái bưởi bên nầy có chữ “Lộc”, bên kia có chữ “Tài” nổi lên màu sáng trắng. Ông nói:
- Hai năm nay khách hàng gợi ý tôi làm chữ nổi cho trái bưởi như vậy. Năm nay lại kêu tôi làm chữ màu. Tôi đang tìm cách làm.
Các bước chuẩn bị cho bưởi Hồ Lô đều làm ngay đầu năm, từ chăm sóc đến tạo dáng. Hợp đồng cung cấp cũng ký trước, đến tháng 10 là hạn cuối. Năm 2011, ông Ba Thành thay mặt anh em ký hợp đồng cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh 8.300 trái bưởi Hồ Lô. Đến tháng 12 đã đạt 90% kế hoạch.
Theo các nhà nghiên cứu giống cây trồng và theo kinh nghiệm của nhà vườn, đất đai Phú Hữu thích hợp cho bưởi Năm Roi phát triển, nếu trồng chỗ khác sẽ cho ra mẫu trái khác. Trái không đẹp thì không làm bưởi Hồ Lô được. Đúng như vậy! Vườn bưởi nhà ông Ba Thành có nhiều cây nhưng mỗi cây chỉ làm vài trái bưởi Hồ Lô chọn từ những trái đẹp về hình dáng và có “nước da láng bóng”. Ông Ba Thành giải thích thêm: Có năm thời tiết “trái gió trở trời”, nắng nhiều mưa ít thì một số trái trong vườn bị “bịu” do nắng nám một bên. Muốn làm bưởi Hồ Lô phải che trái bưởi bên có nắng bằng giấy.
Tháng 12 là nhà vườn đã có hàng, nhưng vẫn để trên cây không hái trước. Bưởi Hồ Lô được gọi là “hàng độc”, khó bày bán ở chợ, chỉ có thể cung cấp số lượng lớn theo hợp đồng. Hội chợ Festival lúa gạo Sóc Trăng, Hội chợ Nông nghiệp Cần Thơ từng trưng bày bưởi Hồ Lô nhưng nhà vườn Phú Hữu không tham gia hội chợ, vì lúc có hội chợ thì bưởi Hồ Lô rất ít.
Ông Ba Thành, tức Võ Trung Thành, hiện đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông ấp Phú Trí A với 26 thành viên. Công việc của ông là hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên cùng làm bưởi Hồ Lô và hội ý nhau khi có những sáng tạo mới. Ví dụ như làm chữ nổi Phước, Lộc, Thọ, Tài hai bên má trái bưởi. Ông cũng là người định giá, phân hàng để giữ chất lượng hàng, giữ giá. Gia đình ông có ba anh em cùng làm bưởi Hồ Lô là VõTrung Dũng, em kế thứ 4; Võ Thị Nga, em thứ 8 và người em út. Mỗi người làm một mùa được từ 300 đến 500 trái.
- Coi vậy chớ anh em tụi tôi làm cả năm, hưởng một mùa Tết. Thấy tiền nhiều mà cực lắm. Không bằng các chị em thương lái mua tại vườn 500 ngàn một cặp, chở lên Sài Gòn bán 3 triệu một cặp. Có người đi xe tải lạnh về mua, anh em nhà vườn cắt bưởi tại vườn, đóng thùng giao. Một chuyến họ lời cả trăm triệu ngon hơ.
Đang kể chuyện bưởi Hồ Lô ngon trớn, ông bị tôi hỏi: “Bà xã anh đâu? Sao không thấy?”, thì ông bật cười nói:
- Bả vẫn ở Trà Nóc, Cần Thơ chớ ở đâu. Lâu tôi không lên thăm bả thì bả về thăm tôi, ra vườn thấy bưởi Hồ Lô, bả khen tôi giỏi. Vợ tôi mê tôi, còn tôi mê bưởi! Cuộc đời tôi nó vậy á!
-----
Bưởi Hồ Lô là loại bưởi Năm Roi không hạt do một số nông dân ở Hậu Giang đã tìm tòi để định hình thành trái hồ lô. Vì hồ lô là biểu tượng của sức khỏe và vạn thọ (chúng ta vẫn thường thấy ông Thọ luôn đeo bầu hồ lô bên người sao!!!) nên sẽ thật có ý nghĩa nếu ngày Tết chúng ta có một cặp bưởi Hồ Lô chưng trên bàn thờ gia tiên, tưởng nhớ công ơn của Tổ tiên ông bà cho chúng ta cuộc sống sung túc như hôm nay, hoặc dùng làm quà biếu cho Cấp trên, đối tác với ý nghĩa mong cho người nhận luôn may mắn và sức khỏe dồi dào để gặt hái nhiều thành công trong năm mới.
|